Để trẻ có thể tự lập trong cuộc sống hay những khi cha mẹ quá bận rộn không thể đi cùng trẻ thì sử dụng phương tiện công cộng là một phương pháp cần thiết.
Vậy làm sao để trẻ biết cách sử dụng các phương tiện công cộng an toàn và trẻ có cách ứng xử với mọi tình huống xảy ra? Cha mẹ hãy chia sẻ và nhớ nhắc nhở trẻ thường xuyên nhé!
1. Sử dụng phương tiện công cộng một cách lịch sự, có trách nhiệm.
Khi sử dụng bất cứ phương tiện gì chúng ra cần ứng xử lịch sự. Hành động của người lớn đúng mực chính là tấm gương để trẻ học tập.
Ứng xử lịch sự là khi trẻ biết cách tôn trọng người lái xe và phụ xe. Cha mẹ hãy luôn nhắc nhở trẻ rằng nghề nghiệp nào cũng đáng quý và đáng được trân trọng. Vì vậy, trẻ phải luôn giữ thái độ tôn trọng mọi người dù họ làm bất cứ nghề gì. Dạy trẻ cách lễ phép, chào hỏi mỗi khi bước lên phương tiện công cộng là điều cần thiết.
Không chỉ vậy, khi sử dụng phương tiện công cộng, trẻ còn gặp nhiều hành khách khác. Nên cha mẹ phải nhắc nhở trẻ có ý thức cá nhân như: không nói chuyện ồn ào, không xả rác bừa bãi, không nghe nhạc quá to,…. làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Đặc biệt, khi sử dụng phương tiện công cộng xe buýt, trẻ luôn gặp những hành khách cần giúp đỡ như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật,… Nếu có thể trẻ hãy nhường ghế cho họ hoặc giúp họ lên xuống bậc xe. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên nhắc trẻ chỉ nên giúp đỡ người khác khi cảm thấy an toàn hoặc chỗ có đông người qua lại.
Khi sử dụng phương tiện công cộng cũng sẽ không tránh khỏi việc đông đúc, chật chội. Nên cha mẹ hãy dạy trẻ học cách kiên nhẫn, không nên chen lấn xô đẩy bởi có thể ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
2. Sử dụng phương tiện công cộng đảm bảo an toàn.
Trẻ không nên ngủ khi đi một mình. Bởi khi sử dụng phương tiện công cộng nhiều trẻ có thói quen ngủ một lát đợi đến điểm dừng. Tuy nhiên, rất có thể trẻ sẽ ngủ quên trên xe dẫn đến việc đi quá điểm đỗ hoặc bị kẻ xấu lợi dụng đưa đến địa điểm khác.
Trẻ cũng nên hạn chế nói chuyện với người lạ. Có thể, những cuộc trò chuyện trên phương tiện công cộng là do đối tượng xấu dựng lên để làm thân, chiếm sự tin tưởng của trẻ. Từ đó lợi dụng để chiếm đoạt tài sản, xâm hại trẻ. Vậy nên, hạn chế nói chuyện với người lạ là cách tốt để trẻ tự bảo vệ chính mình.
Nếu trẻ có nói chuyện với người lạ, cha mẹ cần nhắc trẻ không nên cung cấp các thông tin cá nhân như tên, tuổi, trường lớp, địa chỉ nhà, số điện thoại,…. đề phòng kẻ xấu lợi dụng bắt cóc hay theo dõi trẻ.
Hơn tất cả, trẻ cần phải học cách tham gia giao thông an toàn như:
- Không lên và xuống xe khi xe chưa dừng hẳn.
- Cần quan sát bên ngoài trước khi mở cửa xe taxi.
- Không đứng ở vị trí khuất so với tầm mắt của tài xế.
- Khi trên xe phải đứng, ngồi theo đúng quy định, không chạy nhảy
Dạy trẻ cách bảo vệ tài sản cá nhân ở bất cứ đâu là điều cần thiết. Vậy những tài sản như điện thoại, ví tiền,… trẻ phải biết cách giữ gìn. Khi lên, xuống xe cần kiểm tra đồ đạc của mình để tránh trường hợp để quên.
3. Dạy trẻ cách tự bảo vệ khi có sự cố xảy ra.
Việc này rất cần thiết với trẻ trong những trường hợp trẻ bị lạc đường hoặc bị kẻ xấy lợi dụng. Hãy chuẩn bị cho trẻ đầy đủ kỹ năng để đối phó như phải la, hét lớn lên để nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh. Hoặc ba mẹ có thể hướng dẫn cho bé những bảng hiệu, chỉ dẫn để bé có thể biết tới những nơi gần đồn công an, trường học hoặc các cơ quan nhà nước để nhờ sự trợ giúp của các cơ quan này.
Bên cạnh đó, việc trang bị một thiết bị định vị gắn vào ba lô của trẻ hoặc một chiếc đồng hồ có khả năng định vị, thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp đến ba mẹ là điều hết sức cần thiết khi cho trẻ tham gia sử dụng các phương tiện giao thông công cộng một mình.
Như vậy, cha mẹ hãy chia sẻ, trò chuyện cùng trẻ để cùng đưa ra những bài học hữu ích khi sử dụng các phương tiện công cộng.